Sự tăng cao mỡ máu không chỉ đến từ việc ăn quá nhiều đồ ăn dầu mỡ hoặc thiếu vận động, mà còn do 5 yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, may mắn thay, bạn hoàn toàn có thể thay đổi và kiểm soát những yếu tố này.
Yếu tố gây tăng mỡ máu
Nhiễm trùng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc nhiễm các loại virus, vi khuẩn và mỡ máu cao. Ví dụ, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori có thể làm tăng mức cholesterol toàn phần và cholesterol “xấu” – LDL. Các loại vi khuẩn và virus khác như herpes và CMV (virus cytomegalo – gây ra các bệnh nhiễm trùng như thủy đậu) cũng có thể gây ra tình trạng tương tự. Bằng chứng đã chỉ ra rằng việc nhiễm trùng làm thay đổi quá trình chuyển hóa lipid trong tế bào. Ngoài ra, việc tăng cholesterol “tốt” – HDL cũng không hoàn toàn có lợi cho cơ thể. Một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy cholesterol HDL cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Mắc bệnh lý đường tiêu hóa
Khi “hàng rào” bảo vệ đường ruột bị tổn thương, các vi khuẩn có sẵn trong đường ruột sẽ tạo ra lipopolysaccharide (nội độc tố). Lipopolysaccharide có thể gây ra phản ứng miễn dịch và làm tăng cholesterol “xấu”.
Mắc bệnh cường giáp
Hormon tuyến giáp có ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo. Các nghiên cứu cho thấy những người bị suy giáp có mức cholesterol “xấu” và toàn phần cao.
Nhiễm độc
Việc nhiễm các độc tố có thể dẫn tới sự gia tăng mỡ máu xấu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngộ độc thủy ngân có thể dẫn đến tăng cholesterol. Một nghiên cứu trên thỏ cho thấy những con thỏ được tiêm bisphenol A sẽ bị tăng mỡ máu và mắc bệnh tim. Ngoài những chất này, các hóa chất khác như thuốc trừ sâu, chất hóa học bắt chước estrogen cũng có thể gây ra vấn đề tương tự với mỡ máu.
Căng thẳng
Khoa học đã chứng minh những người mắc bệnh Cushing – tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hormone căng thẳng cortisol – thường bị tăng mỡ máu. Khi cơ thể căng thẳng, nồng độ cortisol cũng tăng lên và cũng sẽ có tác động tương tự với mỡ máu.
Làm thế nào để phát hiện mỡ máu cao?
Mỡ máu cao có thể dẫn tới nhiều tình trạng nghiêm trọng như bệnh tim mạch, đau tim, đột quỵ. Mỡ máu cao được cho là nguy hiểm vì bệnh thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào rõ ràng, nhiều người chỉ phát hiện khi đã có các biến chứng. Để phát hiện mỡ máu cao, bạn nên thực hiện xét nghiệm máu khi đi khám sức khỏe định kỳ.
Theo Tờ Healthline, những người có tiền sử gia đình bị mỡ máu cao, người bị huyết áp cao, béo phì, hút thuốc lá cũng nên xét nghiệm máu định kỳ để tầm soát các rối loạn về mỡ máu. Để ngăn ngừa mỡ máu cao, hãy duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện đều đặn, kiểm soát bệnh lý tuyến giáp, tăng cường sức khỏe đường ruột, phòng ngừa nhiễm trùng, kiểm soát căng thẳng và sử dụng biện pháp bảo hộ lao động để tránh tiếp xúc với các độc tố từ môi trường.
Nguồn: afamily.vn